St.Stamford
International
Medical
icon-1.png

Minimally Invasive Treatment

KẾT NỐI TRÁI TIM - KẾT NỐI YÊU THƯƠNG

Hotline
08.6568.4479
vi en

Uống nước đúng cách mỗi ngày: Bao nhiêu là đủ? Uống khi nào tốt cho sức khỏe?

Trong bài viết này, Bệnh viện St.Stamford Singapore sẽ chia sẻ cùng bạn cách để tính toán lượng nước cần bổ sung cho cơ thể mỗi ngày cũng như những lưu ý để có thói quen uống nước sao cho thật đúng cách và tốt cho sức khỏe!

Nước chiếm tới 70% khối lượng cơ thể và có vai trò quan trọng trong các hoạt động trao đổi chất. Chính vì thế, đảm bảo bổ sung đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể đúng cách hằng ngày sẽ là việc làm không thể thiếu nếu bạn muốn duy trì sức khỏe, sự dẻo dai của mình. Nếu bạn vẫn còn băn khoăn chưa biết làm thế nào để uống nước vừa đủ, vừa hiệu quả thì hãy cùng tìm hiểu ngay nhé!

Uống nước bao nhiêu là đủ?

Tại sao cần uống đủ nước? Uống quá nhiều hoặc quá ít nước có ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe?

Nước có mặt ở mọi cơ quan trong cơ thể và đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cơ thể con người như giúp điều hòa thân nhiệt, hòa tan và vận chuyển oxy, chất dinh dưỡng đi nuôi tế bào, bài tiết các chất thải, chất độc... Khi uống đủ nước, các quá trình trao đổi chất trong cơ thể sẽ diễn ra bình thường, đảm bảo cơ thể khỏe mạnh, từ đó giúp các hoạt động học tập, lao động, sinh hoạt được hiệu quả hơn.

Nếu bạn uống quá ít nước, cơ thể sẽ bị thiếu nước, mất nước, khiến các hoạt động của các cơ quan trong cơ thể bị rối loạn, dẫn đến những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe như suy giảm chức năng thận khiến các chất độc bị tích tụ trong cơ thể, thường xuyên đau đầu, mệt mỏi, choáng váng, niêm mạc mũi khô rát, tóc dễ gãy, da thô ráp và dễ bị mụn, mắt thâm quầng, dễ bị các chứng táo bón, sỏi thận, sỏi mật, tim đập nhanh, hạ huyết áp...

Tuy nhiên, nếu bạn uống quá nhiều nước, cơ thể sẽ bị ngộ độc nước do các chất điện giải trong máu bị rối loạn, từ đó dẫn tới các triệu chứng như nôn, tiêu chảy, co giật, chuột rút... và thậm chí có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như sưng thế bào (nguy hiểm nhất là sưng tế bào não), động kinh, ảnh hưởng chức năng tim, thận...

Vì thế, bạn hãy lưu ý uống đủ nước mỗi ngày, không quá nhiều cũng như không quá ít để cơ thể được khỏe mạnh, được thải độc hiệu quả, giúp da mịn màng, giảm căng thẳng, mệt mỏi...

Uống nước đúng cách mỗi ngày: Bao nhiêu là đủ? Uống khi nào tốt cho sức khỏe?
Uống đủ nước mỗi ngày giúp cơ thể khỏe mạnh và dẻo dai hơn.

Làm thế nào để biết lượng nước bổ sung cho cơ thể đã đủ hay chưa?

Để nhận biết cơ thể đã được bổ sung đủ nước hay chưa, bạn có thể căn cứ vào cảm giác khát hoặc qua tình trạng đi tiểu của mình.

  • Khi uống đủ nước: Bạn sẽ không cảm thấy khát, mỗi lần đi tiểu sẽ cách nhau khoảng 2 - 4 tiếng (trung bình khoảng 6 - 7 lần/ngày), nước tiểu có màu vàng nhạt.
  • Khi uống quá ít nước: Bạn sẽ cảm thấy khát (nặng hơn có thể thấy da khô, họng khô, đói, hoa mắt, ù tai, đau đầu, táo bón...), mỗi lần đi tiểu cách nhau nhiều giờ, đi tiểu ít dưới 2 - 3 lần/ngày, nước tiểu đục, có màu vàng sẫm tới nâu sẫm, có mùi nặng.
  • Khi uống quá nhiều nước: Bạn sẽ đi tiểu liên tục, nhiều lần trong ngày, nước tiểu trong, gần như không màu.
Công thức tính lượng nước cần bổ sung cho cơ thể mỗi ngày

Lượng nước cần bổ sung cho cơ thể mỗi ngày phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như cân nặng, tình trạng sức khỏe, thời tiết, mức độ hoạt động...

  • Trong điều kiện bình thường, không hoạt động mạnh, không hoạt động ngoài trời, không ngồi điều hòa quá lâu thì bạn có thể tính lượng nước cần uống hằng ngày (tính theo oz) bằng cách lấy cân nặng của mình (tính theo lb) chia đôi. Nếu muốn tính trực tiếp bằng các đơn vị quen thuộc là kg và lít thì bạn có thể áp dụng ngay công thức sau:
Lượng nước uống (lít) = [Cân nặng (kg) x 2,205] x 0,5 : 33,8

Theo công thức này, ví dụ, nếu bạn nặng 50kg thì lượng nước bạn cần uống mỗi ngày sẽ là khoảng 1,6 lít.

  • Trong thường hợp bạn có tập luyện thể dục thể thao thì ngoài lượng nước cần uống theo công thức trên, bạn sẽ cần bổ sung thêm 12 oz nước (tương đương khoảng 0,35 lít nước) cho mỗi 30 phút luyện tập. Như vậy, bạn có thể dễ dàng tính lượng nước cần bổ sung thêm theo thời gian luyện tập bằng công thức sau:
Lượng nước cần bổ sung thêm (lít) = [Số phút luyện tập : 30] x 12 : 33,8

Theo công thức này, chẳng hạn bạn tập thể dục thể thao 60 phút mỗi ngày thì lượng nước bạn cần bổ sung thêm cho cơ thể sẽ là khoảng 0,7 lít.

Như vậy, ví dụ bạn nặng 50kg, hằng ngày có luyện tập thể thao khoảng 60 phút thì tổng lượng nước bạn cần uống trong ngày sẽ là khoảng 2,3 lít.

  • Trong trường hợp bạn đang mang thai hoặc cho con bú, ngoài lượng nước cần uống theo cân nặng, bạn sẽ cần bổ sung thêm khoảng 0,7 - 0,9 lít nước tùy theo nhu cầu của mình.
  • Ngoài ra, bạn cũng lưu ý thêm là trong những ngày trời nóng, những ngày trời ẩm ướt hoặc những ngày trời khô hanh hoặc trong trường hợp bạn bị sốt, nôn, tiêu chảy thì cơ thể sẽ bị mất nước nhiều hơn nên bạn cũng sẽ phải uống nhiều nước hơn tùy theo nhu cầu của mình hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Uống nước đúng cách mỗi ngày: Bao nhiêu là đủ? Uống khi nào tốt cho sức khỏe?
Uống quá nhiều hay quá ít nước đều không tốt.

Uống nước như thế nào cho đúng cách?

Uống nước vào thời điểm nào trong ngày là tốt nhất?

Uống nước vào thời gian nào trong ngày, uống nước vào buổi sáng có tốt không, uống nước vào buổi tối có tốt không, có nên uống nước trước khi đi ngủ không... luôn là những thắc mắc thường gặp khi mọi người xây dựng thói quen uống nước. Bạn có thể tham khảo lịch trình uống nước hợp lý trong ngày như sau:

Giờ uống nước

Tác dụng

6:00 - 7:00

Đây là thời điểm bạn thức dậy sau giấc ngủ đêm. Cơ thể lúc này cần được bổ sung nước để được đánh thức và thanh lọc. Sau khi uống nước khoảng nửa tiếng thì bạn có thể ăn sáng.

8:00 - 9:00

Đây là thời điểm bạn chuẩn bị vào giờ làm việc. Uống nước lúc này sẽ giúp cơ thể sảng khoái và hoạt động hiệu quả hơn.

11:00 - 12:00

Đây là thời điểm giải lao, nghỉ trưa. Bạn nên bổ sung nước để cơ thể không bị mất nước cũng như giảm căng thẳng, mệt mỏi.

13:00 - 14:00

Đây là thời điểm bạn thức dậy sau giấc ngủ trưa. Uống nước lúc này sẽ giúp bạn tiêu hóa tốt hơn và giữ được vóc dáng, thân hình tốt nhất.

15:00 - 16:00

Đây là thời điểm bữa xế chiều. Bạn nên uống nước để cơ thể lấy lại thăng bằng, giảm buồn ngủ, căng thẳng, giúp tập trung vào công việc tốt hơn.

17:00 - 18:00

Đây là thời điểm tan sở. Uống nước trước khi rời văn phòng làm việc sẽ xua đi cảm giảm mệt mỏi, đói bụng và giúp bạn tập trung hơn trên đường trở về nhà.

19:00 - 20:00

Đây là thời điểm quanh bữa tối. Bạn có thể uống một chút nước vào 30 phút trước và sau khi ăn tối để hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn.

21:00 - 22:00

Đây là thời điểm trước khi đi ngủ. Trước khi ngủ khoảng 30 phút hoặc 1 tiếng, bạn có thể uống một lượng nước vừa phải để giúp cơ thể có đủ nước trong khi ngủ, tạo cảm giác thư giãn để ngủ ngon hơn... Ngoài ra, bạn lưu ý tránh uống quá nhiều nước vào lúc này để không phải dậy đi vệ sinh quá nhiều và gây ảnh hưởng xấu cho thận, bàng quang, hệ thần kinh...

 

Nên uống nước ấm hay nước lạnh tốt hơn?

Nước lạnh hay nước ấm đều có những tác dụng tốt cho sức khỏe nếu như bạn uống đúng thời điểm.

Một số trường hợp bạn NÊN uống nước ấm:

  • Khi thức dậy vào buổi sáng hoặc trong khi ăn để hỗ trợ tiêu hóa.
  • Khi cần thanh lọc cơ thể.
  • Khi bị nghẹt mũi.
  • Khi bị đau bụng kinh, đau khớp, nhức đầu...

Ngoài ra, bạn lưu ý không nên uống nước ấm sau khi luyện tập thể dục thể thao để tránh tăng nhiệt cho cơ thể.

Một số trường hợp bạn NÊN uống nước lạnh:

  • Khi tập luyện thể dục thể thao để hạ nhiệt cho cơ thể.
  • Khi đang trong quá trình giảm cân.

Bạn cần lưu ý chỉ nên uống nước mát có độ lạnh vừa phải, không quá thấp chứ không nên uống nước đá lạnh để tránh bị viêm họng hay ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên uống nước lạnh khi đang ăn để tránh bị khó tiêu.

Uống nước đúng cách mỗi ngày: Bao nhiêu là đủ? Uống khi nào tốt cho sức khỏe?
Uống nước sạch để bảo vệ sức khỏe.

Một số lưu ý để uống nước đúng cách

Một số lưu ý khác bạn cũng không nên bỏ qua để đảm bảo thói quen uống nước của mình tốt cho sức khỏe:

  • Mỗi lần chỉ uống lượng nước vừa phải, không uống quá nhiều nước một lúc. Tốt nhất là bạn nên rót sẵn nước ra cốc, bình nước hay bình giữ nhiệt và để gần mình để duy trì thói quen uống nước.
  • Không uống nước đun đi đun lại nhiều lần, không uống nước đun sôi đã để quá 2 ngày.
  • Không uống nước ngay sau khi vận động nặng.
  • Các loại nước như nước ngọt có ga, các loại đồ uống có caffein không thể thay thế nước lọc.
  • Nên uống nước đã qua lọc bằng máy lọc nước để tránh các chất tạp chất, chất độc hại... tồn dư trong nước và gây ảnh hưởng cho sức khỏe.

Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn cách uống nước như thế nào là hợp lý và tốt nhất cho sức khỏe, từ đó có thể bổ sung nước thật hiệu quả mỗi ngày cho cơ thể của mình.

Truy cập fanpage để xem thêm : https://www.facebook.com/BenhVienUngBuouSingapore

Alo bác sĩ

08.6568.4479

Đặt lịch hẹn

Bác sĩ tư vấn