Chất đạm
Chất đạm được tạo thành từ các acid amin. Trong cơ thể, những acid amin được ví như những khối gạch gắn kết với nhau tạo thành ngôi nhà chung. Vì không loại thực phẩm nào có đầy đủ tất cả các loại acid amin, nên cần phối hợp các loại protein từ cả nguồn động vật và thực vật. Điều này quan trọng đối với bệnh nhân ung thư, do tình trạng khối cơ giảm.
Tuy nhiên, nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, sự liên quan giữa thịt đỏ (thịt gia súc) và ung thư. Trong khi cơ thể cũng cần bổ sung các nguồn sắt, kẽm... từ loại thịt này. Do đó, khuyến cáo "bệnh nhân ung thư không ăn thịt đỏ" có thể dẫn đến thiếu một số acid amin và khoáng chất.
Người bệnh có thể ưu tiên các loại thịt màu trắng (thịt gia cầm), cá, tôm, hải sản, nhưng cũng vẫn cần ăn thịt đỏ với lượng ít hơn. Cụ thể, không nên ăn quá 340-500g thịt đỏ đối với bệnh nhân ung thư sau khi điều trị. Tránh ăn các sản phẩm chế biến sẵn từ thịt đỏ như xúc xích, thịt heo muối, theo Viện Nghiên cứu về ung thư Mỹ.
Tinh bột
Hơn một nửa năng lượng duy trì hoạt động của cơ thể là do glucid hay tinh bột cung cấp. Do đó bệnh nhân ung thư phải đảm bảo các thực phẩm chứa tinh bột trong khẩu phần ăn hàng ngày. Ngoài ra, việc người bệnh ăn uống đầy đủ glucid sẽ giúp giảm lượng protein bị phân hủy đến mức tối thiểu, giảm sụt cân và giảm mức độ phá hủy cơ.
Thực đơn cho bệnh nhân ung thư nên tránh các glucid đã tinh chế (mất chất dinh dưỡng và chất xơ) gây nhiều tác hại cho cơ thể như các loại đồ ngọt, nên chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt (lúa mạch, lúa mì, ngô, gạo), các loại củ (sắn, khoai sọ, khoai lang, khoai tây,...).
Chất béo
Các thực phẩm cần thiết cho thời kỳ phục hồi dinh dưỡng đối với người bệnh ung thư không thể thiếu những thức ăn giàu chất béo (lipid), cung cấp năng lượng cao cho cơ thể. Trong khi nhu cầu năng lượng của một người cần 15-25g lipid một ngày.
Lipid cũng là chất quan trọng giúp cơ thể hấp thu các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, K. Nếu thiếu chất béo, người bệnh sẽ đồng thời thiếu những vitamin này.
Dầu thực vật và mỡ động vật là nguồn cung cấp chất béo cho cơ thể với acid béo no và không no. Do đó, trong khẩu phần ăn hàng ngày của bệnh nhân ung thư cần có hàm lượng chất béo nhất định, giúp chống oxy hóa, ngăn ngừa bệnh xơ vữa động mạch.
Vitamin, khoáng chất
Mỗi loại vitamin đóng vai trò khác nhau trong cơ thể. Tuy cơ thể cần lượng vitamin ít mỗi ngày, nhưng không thể thiếu, nhất là người bệnh ung thư. Tương tự, chất khoáng tham gia cấu tạo nhiều mô và cơ quan, có vai trò trong quá trình chuyển hóa. Nếu người bệnh ăn uống thiếu các chất này sẽ sinh nhiều bệnh như còi xương, xốp xương (do thiếu canxi), thiểu sản men răng (do thiếu fluor), bị bướu cổ (do thiếu i-ốt), thiếu máu (do thiếu sắt),...
Vitamin và khoáng chất có nhiều trong các loại rau củ quả. Cần chọn sản phẩm tươi, nhiều màu sắc, bảo quản tốt để tránh mất vitamin và đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
(Nguồn: GoldHealth)
08.6568.4479