Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 22.000 ca mắc mới ung thư phổi, trong đó gần 20.000 ca tử vong. Ung thư phổi cũng là căn bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới và thứ 3 ở nữ giới. Bệnh rất khó phát hiện ở giai đoạn sớm nên nhiều người chỉ phát hiện bệnh vào giai đoạn cuối, khi bệnh đã tiến triển nhanh gây nhiều khó khăn cho điều trị và chăm sóc.
Tùy theo mong muốn, nơi sống, điều kiện kinh tế… bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối có thể được chăm sóc tại nhà hay tại bệnh viện. Mỗi nơi chăm sóc có những ưu và nhược điểm riêng.
Nếu chăm sóc tại bệnh viện, bệnh nhân dễ dàng tiếp cận với các hỗ trợ y tế, thuốc giảm đau và được kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Tuy nhiên, bệnh viện thường không đủ yên tĩnh và bệnh nhân cũng ít được gặp người thân. Ngược lại, điều trị tại nhà cho bệnh nhân cảm giác thoải mái khi ở trong phòng của mình với người thân nhưng lại khó tiếp cận các hỗ trợ y tế và gặp bác sĩ.
Bệnh nhân có thể xin về nhà nếu đang điều trị tại viện hoặc xin nhập viện điều trị bằng chăm sóc giảm nhẹ nếu tình trạng trở nặng, khó chăm sóc tại nhà. Dù là ở nhà hay bệnh viện, người thân của bệnh nhân hãy tôn trọng mong muốn của người bệnh.
Bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối có thể được điều trị tại nhà trong một số trường hợp sau:
– Sức khỏe của bệnh nhân quá yếu, không thể thực hiện bất kỳ điều trị ung thư như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị…
– Bệnh nhân đã trải qua điều trị ung thư nhưng các liệu pháp điều trị ngưng phát huy hiệu quả, khối u không thể kiểm soát được nữa.
– Bệnh nhân có mong muốn được chăm sóc tại nhà và được sự đồng ý cũng như hỗ trợ, hướng dẫn của bác sĩ.
Chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối đòi hỏi những hiểu biết nhất định về tình trạng bệnh nhân, cách hỗ trợ chăm sóc y tế cũng như về mặt dinh dưỡng, tinh thần.
Việc nắm bắt các triệu chứng của căn bệnh sẽ giúp người chăm sóc chuẩn bị cách xử lý với các tình huống khẩn cấp và biết cách chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối tốt nhất. Dưới đây là những vấn đề bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối phải đối mặt theo từng giai đoạn và cách xử lý:
Khó thở, tức ngực, ho, viêm phổi
Bệnh nhân bị ung thư phổi thường xuyên bị khó thở, đau tức vùng ngực, thở khò khè, ho nhiều và ho đờm lẫn máu. Nguyên nhân là do khối u ở phổi phát triển khá lớn, xâm lấn xuống trung thất gây tắc nghẽn đường thở hoặc bị tràn dịch màng phổi. Khối u cũng có thể di căn đến thực quản gây khó nuốt, thở nhanh, thở gấp.
Người chăm sóc có thể áp dụng một số cách sau để bệnh nhân bớt khó thở:
– Giúp bệnh nhân nằm ở tư thế đầu cao, kê gối, đệm mềm để bệnh nhân cảm thấy thoải mái, thường xuyên giúp bệnh nhân thay đổi tư thế để dễ thở, tránh bị ho, sặc.
– Khuyến khích bệnh nhân uống nhiều nước.
– Cho bệnh nhân uống thuốc long đờm, kháng sinh (nếu bác sĩ kê đơn) để tránh viêm phổi, viêm phế quản.
– Cho bệnh nhân dùng bình thở oxy và các thiết bị hỗ trợ thở. Hiện nay, có nhiều dịch vụ giúp lắp đặt bình oxy sử dụng tại nhà an toàn, gia đình bệnh nhân có thể tìm hiểu để lắp đặt thiết bị hỗ trợ thở đảm bảo an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân sử dụng.
– Làm sạch dịch ứ đọng ở phế quản cho bệnh nhân bằng phương pháp vỗ rung lồng ngực kết hợp với dẫn lưu tư thế để bệnh nhân dễ thở và tránh nhiễm trùng đường hô hấp.
– Hướng dẫn bệnh nhân tập thở sâu để tăng cường giãn nở cơ hoành, giúp bệnh nhân có thể thở dễ dàng hơn và giảm bớt đau thắt ngực.
– Nếu bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi cần được khám Bác sĩ và xử lý bằng thủ thuật hút dịch màng phổi hoặc dẫn lưu màng phổi.
Đau nhức toàn thân
Trước khi đưa bệnh nhân về nhà chăm sóc, người thân cần trao đổi với bác sĩ để hiểu rõ các biện pháp giảm đau cho bệnh nhân. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giảm đau và có kế hoạch kiểm soát cơn đau cho bệnh nhân. Một số loại thuốc giảm đau như morphin cần có thủ tục mới có thể mua được, người chăm sóc cần hỏi kỹ để được hướng dẫn.
Bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối phải trải qua nhiều đau đớn do khối u di căn tới xương, não, gan… gây đau đầu, đau tức ngực, nhức mỏi toàn thân. Bệnh nhân cần được điều trị giảm đau tùy theo mức độ đau. Các biện pháp giảm đau cho bệnh nhân bao gồm.
Cách giảm đau chủ yếu cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối là dùng thuốc giảm đau. Thuốc giảm đau sẽ tùy vào mức độ nặng nhẹ của cơn đau.
• Thuốc giảm đau khi bị đau nhẹ: Một số loại thuốc giảm đau không chứa opioid như aspirin, acetaminophen (tyrenol), thuốc giảm đau và kháng viêm không chứa steroid (NSAIDs) có thể được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Người chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối cần chú ý tới các tác dụng phụ của thuốc và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
• Thuốc giảm đau khi bị đau nghiêm trọng: Ban đầu bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối có thể sử dụng morphin liều thấp kết hợp với thuốc giảm đau không chứa opioid như aspirin, acetaminophen (tyrenol), NSAIDs. Nếu cơn đau không giảm thì cần chuyển sang dùng thuốc giảm đau opiod như morphin, hydromorphon, fentanyl, hydrocodon, methadon, buprenorphin, tapentadol và oxycodon. Thuốc giảm đau opiod có thể gây nghiện nên cần được sử dụng ở liều từ thấp, sau đó tăng dần theo chỉ định của bác sĩ.
Ngoài cho bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau, người chăm sóc có thể xoa bóp, mát xa cho bệnh nhân để bệnh nhân cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn, giảm nhức mỏi, đau đớn.
Chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi có ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng sống của bệnh nhân, vì vậy người thân cần đặc biệt lưu ý. Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư cần đảm bảo:
• Cung cấp đủ dưỡng chất: Chế độ ăn của bệnh nhân cần cung cấp đủ năng lượng, tăng cường những thực phẩm giàu đạm như sữa, thịt, trứng, cá, tôm… cũng như các loại ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh, các loại củ như khoai lang, xu hào, cà rốt và hoa quả tươi.
• Chế biến đúng cách: Bạn nên nấu thức ăn mềm, các loại cháo, súp, món hầm… cho bệnh nhân ăn từng bữa nhỏ và nhiều bữa trong ngày.
• Phù hợp khẩu vị của bệnh nhân: Bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối thường không có cảm giác ngon miệng, khó nuốt, dễ bị buồn nôn… nên món ăn cần phù hợp với khẩu vị của bệnh nhân và thường xuyên thay đổi món để chế độ dinh dưỡng đa dạng, đủ chất. Bạn hãy khuyến khích bệnh nhân ăn thêm hoa quả tươi và rau xanh, chất xơ để hỗ trợ tiêu hóa.
Nếu bệnh nhân không tự ăn được thì người chăm sóc cần đút, nghiền thức ăn rồi giúp bệnh nhân ăn. Nếu bệnh nhân bị khó nuốt, dễ bị sặc thì bạn cần cho ăn bằng ống thông sonde dạ dày, truyền dịch nuôi dưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối thường mệt mỏi, kiệt sức, sút cân nhanh và thể trạng yếu. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần vận động nhẹ nhàng để hỗ trợ thở và hỗ trợ tiêu hóa, giảm đau mỏi.
Nếu bệnh nhân vẫn có thể đi lại được, người chăm sóc nên dìu bệnh nhân đi dạo nhẹ nhàng trong nhà hoặc hít thở không khí trong lành, tắm nắng ở mái hiên, ban công khi thời tiết phù hợp. Nếu bệnh nhân quá yếu và phải di chuyển bằng xe lăn, bạn hãy giúp bệnh nhân thay đổi tư thế, vận động chân tay nhẹ nhàng và thường xuyên xoa bóp cho bệnh nhân để lưu thông máu.
Bệnh nhân cần được vệ sinh sạch sẽ và thường xuyên. Nếu bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, táo bón thì bạn cần điều chỉnh chế độ ăn và hỏi ý kiến bác sĩ để có đơn thuốc phù hợp.
Phòng của bệnh nhân ung thư phổi cần thoáng khí để bệnh nhân dễ thở. Một căn phòng tốt là phòng có cửa sổ để đón ánh nắng mặt trời và chỗ để đặt các thiết bị hỗ trợ thở như bình oxy nếu cần. Bệnh nhân cũng cần không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi, tránh tiếng tivi, đài hoặc nơi ồn ào. Phòng bệnh nhân cần sạch sẽ, có hoa tươi hoặc cây cảnh để giúp bệnh nhân thư giãn.
Ung thư phổi giai đoạn cuối thường tiến triển nhanh, vì vậy thời gian bệnh nhân còn không nhiều. Chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối là một công việc vô cùng vất vả và khó khăn, đòi hỏi người chăm sóc cần có tâm và có hiểu biết.
Ngoài được hỗ trợ về dinh dưỡng, giảm đau, hỗ trợ trong sinh hoạt, bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối cũng cần được động viên rất lớn về mặt tinh thần để vượt qua đau đớn. Người chăm sóc hãy lắng nghe tâm sự, mong muốn, nhu cầu của bệnh nhân để an ủi khi bệnh nhân lo lắng, sợ hãi và đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân chu đáo nhất.
Đôi lúc vì những mệt mỏi, đau đớn, bệnh nhân có thể trở nên khó tính, dễ cáu gắt hoặc buồn chán. Vì vậy, người chăm sóc cần hết sức nhẹ nhàng và tế nhị. Bạn nên tìm cách để bệnh nhân thư giãn hay có những niềm vui nho nhỏ bằng khiếu hài hước và tấm lòng chân thành.
Nếu bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối có nguyện vọng được điều trị tại bệnh viện ung thư St. Stamford, bệnh nhân sẽ được các Bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ để nâng cao chất lượng cuộc sống. Tại đây, bệnh nhân sẽ được điều trị triệu chứng, hỗ trợ thở, giảm đau, chăm sóc về mặt dinh dưỡng và tinh thần. Người thân cũng sẽ ở bên cạnh cùng hỗ trợ y tá, bác sĩ chăm sóc bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.
Chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối tại bệnh viện, trung tâm y tế bao gồm:
– Khám thường xuyên để đánh giá tình trạng bệnh nhân.
– Hỗ trợ thở bằng thiết bị thở, thở oxy, các thủ thuật giúp bệnh nhân dễ thở như vỗ rung lồng ngực, hút dịch màng phổi hoặc dẫn lưu màng phổi.
– Hướng dẫn bệnh nhân cách thở.
– Kê thuốc kháng sinh, thuốc long đờm và điều trị viêm phổi, tràn dịch màng phổi.
– Kiểm soát cơn đau bằng nhiều phương pháp để bệnh nhân cảm thấy thoải mái, dễ chịu nhất.
– Kê thuốc giảm đau tùy theo tình trạng của bệnh nhân.
– Hướng dẫn người thân về chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân qua từng giai đoạn.
– Hướng dẫn cách hỗ trợ bệnh nhân nghỉ ngơi, luyện tập.
– Xử lý các vấn đề về tiêu hóa, đặt ống sonde nuôi ăn nếu cần thiết.
– Giúp bệnh nhân dễ ngủ bằng cách trị liệu, dùng thuốc.
– Cấp cứu, xử lý kịp thời trong các tình huống khẩn cấp.
Hiện nay tại Việt Nam có một số dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ tại nhà, người thân của bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối có thể tìm hiểu để người bệnh có cơ hội tiếp cận tốt nhất với các hỗ trợ y tế tại nhà. Nếu người bệnh cảm thấy thoải mái hơn khi điều trị tại bệnh viên, bạn có thể phối hợp với Bác sĩ và điều dưỡng để giúp bệnh nhân thoải mái nhất có thể.
08.6568.4479